Để cải thiện cái gu đọc của số chung, chuyên mục Review Sách Hay của Chọn Lựa Chuẩn sẽ recommend 10 tựa sách văn học hay nên đọc mà mình thấy ổn, hi vọng sẽ cứu rỗi được linh hồn nhàm chán của những ai đang loay hoay không biết đọc cái gì. Không nhiều nhặn gì cả, nhưng rất đáng đọc một lần những tiểu thuyết sau.
1. Herzog – Saul Bellow
Herzog không chỉ là một tiểu thuyết, với mình nó trở thành một khái niệm định nghĩa con người, Một cuốn sách văn học hay nên đọc 1 lần. Mình nghĩ Moses E Herzog là một dòng dõi, một phân nhánh phả hệ của cái giống loài “Kitsch”, nôm na dễ hiểu được trình bày tận tình ở tiểu luận “Nghệ thuật tiểu thuyết” và “Phần 6: Cuộc diễu hành vĩ đại” ở tiểu thuyết “Đời nhẹ khôn kham” của Milan Kundera, nghĩa là nhu cầu nhìn vào gương soi thấy cái giả trá được tô vẽ cho đẹp lên, và nước mắt trào ra đầm đìa vì sung sướng khi thấy hình ảnh mình phản chiếu.
Một kiểu khổ dâm cộng hưởng các giá trị văn minh của nơi Herzog – một giáo sư am tường các vấn đề to lớn triết ly tứ phương bốn bể, chắc là chỉ mỗi độc giả mới hiểu được Herzog, luôn thất bại trong cuộc sống với nghề nghiệp bất định, chỗ ở bất định, hôn nhân tan vỡ, chỉ còn những sự lảm nhảm với chính mình và một công việc tạo nên thương hiệu Herzog: viết thư cho toàn nhân loại, rảnh rỗi lại tiện tay viết một lá thư gửi vợ cũ, gửi Zinka, gửi Wanda, hay gửi Nietzsche hay gửi thẳng làm ông mọc sừng…
Nhìn chung thì Herzog thất bại ở cuộc sống thực, nhưng tâm hồn sống động hơn ai hết, kèm một sự tự do được lồng ghép cố định trong mọi hoàn cảnh, làm gì cũng được, nhưng làm gì cũng vô ích, kể cả chuyện mang theo một khẩu súng để “thăm” vợ cũ và nhân tình, Herzog vẫn tỉnh táo với cái tự do thảm hại đó. Mở đầu câu chuyện là một câu khẳng định của chính ông ta, “Dù mình có hoá rồ đi nữa thì mình cũng vẫn ổn thôi”, kết thúc chuyện là một không gian tĩnh mịch cô độc, có lẽ người điên ấy cũng đáng để chuyện trò cùng.
2. Dịch hạch – Albert Camus
Không phải vì Covid19 xảy đến mình mới chịu đọc, và đã đọc hơn một năm rồi, giá trị của nó vẫn không nhạt nhòa một chút nào cả. Xứng đáng nằm trong danh sách top sách văn học hay nên đọc của mình.
Chuyện về một thành phố bị cô lập bởi nạn dịch hạch do chuột gây ra, bác sĩ Rieux và những nhân vật xoay quanh ông ra sức cứu chữa khi từng người ngã xuống chết thành đống, lò hỏa thiêu không khi nào ngưng tỏa khói trên nóc.
Ngoài ra, ẩn dụ hơn nữa, “dịch hạch” là câu chuyện mở ra những câu chuyện khác, từ sự nhân bản rộng rãi của chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa phát xít, khi cuộc sống là một sự phi lý đến vô tận, người ta sẵn sàng rêu rao mọi thứ chủ nghĩa từ tốt đến tốt hơn, không thiếu một tình nguyện viên nào sẵn sàng lao mình vào “cứu chữa” cho cái xã hội họ đang sống mà không mong muốn áp đặt hay đề xuất những giá trị cấp tiến hơn, hay suồng sã nhũng lời hứa vô nghĩa lý trấn an mọi người, và phá hủy cái hằng tố của nó: là tự nhiên. Không ai chịu để xã hội tự vận hành một cách tự nhiên, một bi kịch, ấy là con người bất tử trong cái quan tài tư tưởng luôn muốn cấp tiến của họ.
3. Tứ thư – Diêm Liên Khoa
Ở Tứ thư, là chủ đề về cái xã hội nhớp nhúa, học thức còn thô sơ, cái kỷ nguyên đen tối nhất hay thời kỳ cách mạng “Đại nhảy vọt” của Trung Quốc cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960, Tứ thư phản ánh sự diệt vong của giới tri thức. Chuyện về một trại cải tạo, khu Dục tân (giáo dục mới) nơi giáo sư tiến sĩ, tầng lớp có chuyên môn học thức bất luận ngành nghề, từ nghệ thuật đến khoa học, bất kể lứa tuổi đều được đưa về đây “học tập” thành con người mới.
Đi suốt quyển sách là máu và tủi nhục, có cảnh sách vở đem cho cháy ra tro để nhóm bếp, có cảnh con người bị đem ra sân khấu xử tử trước mắt vạn người để làm gương mà năng nổ luyện sắt thép, có cảnh tham quyền chức trọng mà đứng ra nhận lãnh một chỉ tiêu với hàng vạn tấn thực phẩm phải được thu hoạch – bất khả thi – hầu mong một chuyến lên thủ đô khi mọi người lao động ở khu Dục tân cho hắn ta phải tăng gia sản xuất đến độ cái chết là chuyện vặt, có cảnh người kia tự treo cổ mình để người nọ mang xác xuống mà ăn thịt cho qua cơn đói.
Quản lý một khu trại là Con Trời, có toàn quyền, cuối truyện đã chịu đóng đinh trên thập giá sau một thời gian âm thầm đọc Kinh Thánh, một sự sám hối muộn màng hay là một lý tưởng sụp đổ? Sẽ rõ ràng mọi chuyện trong “Tứ thư”.
4. Sa đọa – Albert Camus
Chẳng xa lạ gì với những vấn đề tranh luận trong tôn giáo, “Sa đọa” sẽ làm rõ hơn cái chủ nghĩa hiện sinh mà ai đó từng muốn nhân bản nhưng chắc là sẽ không bao giờ thành, với những biện minh khó có thể bẻ được từ miệng một người từng tận tâm với xã hội và luật pháp, phải trải qua một cuộc xử sự có phần làm nhục hắn ta, Jean Baptiste Clamence từ một quan tòa, một luật sư giảng hòa cho đời, khả kính liêm khiết theo đuổi chân lý, ngoài những việc lớn khi làm quan tòa, hắn còn được lòng mọi người với những việc nhỏ nhặt: dắt người mù qua đường, bênh vực quả phụ cô nhi… nay nổi loạn đứng lên pháp luật để tìm một sự giảng hòa cao hơn, giảng hòa cho bản thân mình rằng sự sa đọa của mình, ràng làm nhục người khác là cứu rỗi người khác, đi kèm theo các thuyết phá hoại những định kiến lâu đời của Thiên Chúa giáo, rằng hành nghề ở cái tửu điếm là một ân phước, cái tửu điếm và giường bệnh là nơi hành nghề cuối cùng của hắn cho giang hồ tứ xứ hay chỉ là những ả điếm.
Với lời tự thú: “Bởi vì người ta không thể kết tội kẻ khác mà không kết tội chính mình, phải tra vấn tội mình trước khi phán xét kẻ khác. Bởi vì tất cả mọi ông tòa rồi cuối cùng cũng phải qua cầu xám hối, vì vậy, phải đi con đường ngược lại, làm nghề xám hối trước khi trở thành quan tòa.” Jean Baptiste Clamence trở thành đúng như cái bản thể đầy đủ mà xưa kia còn thiếu một nửa, trở thành một quan-tòa-sám-hối.
5. Nhật ký một cha xứ vùng quê – Geogres Bernanos
Ít cho tiểu thuyết nào làm mình rung động như cuốn này, ngoài những lí lẽ thần học mà được cho là rất thơ ca, cường điệu hóa, có phần lãng mạn nhưng vô ích khi nhà thờ là nơi ngọn lửa nghi ngờ đức tin phải bị dập tắt, nó lại tồn tại mãnh liệt hơn bao giờ hết.
>>> Đọc thêm:
6. Cuộc sống không ở đây – Milan Kundera
Một cuộc đời nhà thơ là gì khi bị chính trị chi phối? Chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa hiện sinh và đa tạp các thơ ca âm nhạc trở thành thứ gì khi chịu áp lực của chính trị? Mình đã đọc từ cuối năm ngoái, đến đầu năm nay, chỉ đọng lại hình ảnh rõ nhất, hình ảnh xã hội thân người đầu chó, có lẽ sẽ còn day dứt ám ảnh cái hình ảnh ấy một thời gian nữa. Đây cũng là một tựa sách văn học hay nên đọc nhưng bị khá nhiều người bỏ qua
7. Nghệ sĩ hình thể – Don Delillo
Một trong những tiểu thuyết, sách văn học hay nên đọc mình đánh giá cao trong mảng dịch thuật, rất chặt chẽ. Là câu chuyện về một góa phụ, cô bị ám ảnh bởi cái chết của chồng và không ngừng tưởng tượng trong nhà có một người lạ: “hắn ta có thân hình đẹp và hơi nhỏ con, thoạt tiên cô ngỡ hắn là một cậu bé, tóc hung, thức dậy sau một giấc ngủ say, hoặc có lẽ bị ngấm thuốc”. Cậu bé áy dần dần hiện hữu qua nỗi đau của cô, cậu bé có những nét tương đồng với người chồng đã khuất, mọi chuyện đều diễn ra trong cảnh trí siêu thực và hoang tưởng, nhịp truyện chậm chạp khuếch đại lên những chi tiết về cảnh sắc, về tâm lý của cô.
Với kết truyện như sau: “Bạn có nhận ra những gì bạn đã nói từ vài tuần trước, nếu đó là điều cuối cùng, trong số những điều cuối cùng bạn nói với người yêu, và sẽ không bao giờ nhìn thấy nữa?”, Don Delillo tạo một mê cung ảo ảnh của một góa phụ, cô lập hoàn toàn trong kỷ niệm với người chồng. Rất khó để diễn đạt cho trọn vẹn cuốn tiểu thuyết mỏng này, rất mỏng, nhưng không nhẹ, thách thức sự đọc và suy luận, chung quy như thưởng thức một thước phim cũ, chập mạch, ghép lại như những mảnh gương vỡ, phản chiếu nhiều mảnh đau khổ khác nhau hình dạng của người góa phụ.
8. Vụ án – Franz Kafka
Không lạ gì về tiểu thuyết này nữa, nhưng luôn luôn ấn tượng với mê cung phi lý tột cùng của Kafka. Bị đánh thức dậy bởi cảnh sát từ phòng mình khi chỉ vỏn vẹn bộ đồ ngủ, và bị kết án ngay khi đó với một tội danh mơ hồ còn hơn cả chuyện xảy ra trong những giấc mơ, Kafka viết một thể loại văn u ám không lối thoát. Chật vật lắm cũng chẳng giải được những điều phi lý của Kafka khi luận cứ của ông đưa ra đều hợp lý trong sự vô lý, một màu tăm tối và mỉa mai luật pháp đương thời, bối cảnh tình tiết dựng nên vụ án, những cách thức bộ máy tòa án vận hành, tiểu thuyết của Kafka không còn là văn học, trở thành bẫy-văn học mà mọi phân tích đều bất khả, chỉ là con ruồi trong mạng nhện, cựa quậy đến khi đuối sức rồi chết.
So với Kafka, nếu muốn nhẹ nhàng hơn thì có Dino Buzzati, may mắn thay, vẫn không dồn người ta vào đường cùng để phải thốt lên câu cuối cùng như Joseph K. trong “Vụ án”: “Như một con chó”.
9. Chết trong ngày Chúa nhật – Nguyễn Nguyên Phước
Một trong những tiểu thuyết khó thẩm thấu nhất trong cái mớ bùng binh sách vở của mình và cũng nằm trong list sách văn học hay nên đọc của mình. Những đối thoại liên tục không xuống dòng như văn phong của Thomas Bernhard hay Linda Lê, hay lối hành văn kiểu tiểu thuyết “Trò chuyện trong quán La Catedral”, luyên thuyên kéo dài 600 trang mà gần về cuối chứng điên hay tâm thần phân liệt của nhân vật được bóc lộ.
Chuyện kể về một hay bốn người tên Tùng, Lâm, Hưng, Vũ, hay chỉ là một người Tùng-Lâm-Hưng-Vũ hay Tùng-Lâm-Hưng-Vũ-cho-đến-ngày-kết-thúc, “bọn chúng” hay “tôi” cứ loay hoay đi tìm cái miền Tam Yên mà đi đến hết tiểu thuyết cũng chẳng biết nó là cái gì/ ở đâu, nó muôn hình vạn trạng là trạm vi ba, bệnh viện tâm thần, nhà tù, chốn Tây Phương Cực Lạc, hay chốn vô định của vài kẻ hoang tưởng. Trong cái hành trình ấy không thiếu những bình phẩm về tôn giáo, về tình yêu, về đạo đức nhân sinh quan lý tưởng cách mạng, về đủ mọi chuyện trên đời.
Phi tuyến tính là tính từ của mạch truyện. Loay hoay một lúc cũng xong cả truyện, đầy rẫy cái chết, chẳng rõ nhân vật “tôi” chết ở ngóc ngách nào nữa, cuộc đời nhân vật “tôi” thành một sự hài hước chỉ rặt là không biết đời sống thật và một vở kịch khác nhau là gì, để rồi chết do treo cổ hay do cháy nhà? Hay chỉ là chết theo một cách bình thản nhất với tâm hồn bạo liệt nhất của người điên, huyên thuyên đến khi cắn vào lưỡi rồi chết? Không rõ.
10. Xứ tuyết – Yasunari Kawabata
Đã đọc Xứ tuyết khá lâu, hai hay ba năm gì không rõ, cái xứ lạ lùng, cứ lạnh tê tái đi từng nhịp từng nhịp dọc suốt bước chân của một “gã ăn chơi tử tế”. Ở xứ mà vấn đề thời gian – quá khứ, hiện tại, tương lai treo cành cây vì lạnh, chất đống thành tuyết, làm mờ đi ranh giới hư và thực.
Không choáng ngợp hào nhoáng lầu cao điện bạc, hay cái lối buông thả phóng túng đạo đức dễ bắt gặp trong những tiểu thuyết hiện đại của Haruki Murakami, Murakami Ryu, Xứ tuyết chỉ còn những ca kỹ đã luốn tuổi và những cô mới vào nghề, thêm một chuyện tình nhỏ, vặt vãnh không đáng tìm ra một lí do để tồn tại như thân phận người ở Xứ tuyết hẻo lánh, trôi nổi vô danh – Shimamura tìm thấy Komako.
Và sau hết thảy, thiên nhiên nơi Xứ tuyết sẽ là phạm trù nghệ thuật hư ảo đáng đắm mình vào, không chỉ có sắc trắng của tuyết, xanh lam của trời, xanh lục của rừng, đỏ cam của lửa, còn có những nỗi buồn vô danh quyện thành màu.
Gió mùa thu
Bóng dài của núi
Rung lên mơ hồ.
(Thơ Issa)
Tôi là Hoàng Hải Long, là Owner and Founder của Chọn Lựa Chuẩn. Tôi là chuyên gia đánh giá, review sản phẩm và so sánh giá. Những bài viết trên Website này đều dựa vào trải nghiệm của tôi mua các sản phẩm về dùng thử và đánh giá kĩ lưỡng. Qua đó, sẽ mang đến những chia sẻ, đánh giá chân thực nhất trên từng sản phẩm cho người có nhu cầu mua sắm và tiêu dùng.